Bố mẹ cần làm gì khi trẻ đi học trở lại sau kỳ nghỉ dịch Corona

23/04/2020

Bắt đầu từ ngày 23/04, cả nước cơ bản nới lỏng cách ly xã hội, đồng nghĩa với việc trẻ sẽ sớm quay lại trường học sau thời gian nghỉ kéo dài. Cha mẹ cần làm gì để an tâm cho trẻ đi học trở lại trong mùa dịch Corona.

Bài viết dưới đây sẽ cung cấp những giải pháp hỗ trợ để cha mẹ giúp bé trở lại trường được tốt nhất. 



Tạo thói quen, thời gian sinh hoạt trở lại như lúc trẻ đi học


Thời gian nghỉ kéo dài khiến trẻ có thể quen ngủ muộn hơn, thức dậy trễ hơn, ăn uống có thể không điều độ. Lúc này bố mẹ cần tập cho trẻ trở lại nhịp sinh hoạt khoa học để đi học đúng giờ, tỉnh táo, khỏe mạnh. Cho bé ôn bài để bé lấy tinh thần học tập.

Khoảng 3-4 ngày trước khi trẻ đi học trở lại, bố bố mẹ hãy điều chỉnh thời gian của con cho gần về với thời gian biểu cũ, mỗi ngày chỉ cần điều chỉnh 10-15 phút là được.

Cung cấp cho trẻ những thông tin cần thiết 


Tùy vào độ tuổi của trẻ mà bố mẹ có thể cung cấp cho trẻ những thông tin cơ bản nhất về virus Corona. Các thông tin bố mẹ có thể cung cấp cho trẻ như: Các con đường lây nhiễm, mức độ ảnh hưởng tới sức khỏe, các biểu hiện nhiễm virus, cách phòng tránh virus và cần phải làm gì khi nghi ngờ cơ thể nhiễm bệnh. Khi trẻ được cung cấp những thông tin cơ bản, trẻ sẽ chủ động hơn trong việc phòng chống dịch. Đặc biệt cần hướng dẫn trẻ các biện pháp phòng ngừa như:

  • Thường xuyên đeo khẩu trang và tuân thủ các quy định của nhà trường
  • Rửa tay thường xuyên 
  • Tránh đưa tay lên mắt, mũi, mặt, trước khi ăn phải rửa tay sạch sẽ 
  • Giữ đồ dùng học tập gọn gàng, ngăn nắp
  • Khi sốt, ho, khó chịu cần báo cáo giáo viên ở lớp

Hướng dẫn trẻ các biện pháp vệ sinh - chăm sóc cá nhân


Khi đi học trở lại, việc chăm sóc cá nhân và thực hiện vệ sinh cho trẻ là rất cần thiết để phòng chống dịch. Bố mẹ cần hướng dẫn và giúp trẻ thực hiện thành thạo các biện pháp chăm sóc vệ sinh cá nhân như:

  • Biết cách sử dụng xà bông rửa tay diệt khuẩn dưới vòi nước chảy trong ít nhất 20 giây sau mỗi tiết học, trước vào sau khi ăn cơm,...
  • Biết sử dụng nước rửa tay khô (nếu nhà trường không trang bị nước rửa tay sát khuẩn  và khu vực rửa tay cho trẻ)
  • Biết đeo khẩu trang đúng quy định, thay khẩu trang mỗi buổi học 1 lần hoặc theo khuyến cáo của nhà trường hoặc cán bộ y tế, thao tác tháo khẩu trang và bỏ vào thùng rác đúng cách
  • Sử dụng khăn vải hoặc giấy để che miệng khi ho, hắt hơi và bỏ vào thùng rác đúng quy định
  • Thay áo choàng ngoài hoặc trang phục đi học trước khi vào nhà để ngăn chặn nguồn lây nhiễm bên ngoài về gia đình
  • Biết cách vệ sinh chăn, gối gọn gàng trước và sau khi ngủ dậy, thay vỏ chăn, gối cho trẻ thường xuyên.



Chuẩn bị cho trẻ những trang bị phòng tránh lây nhiễm đầy đủ khi trở lại trường 

Bố mẹ cần liên hệ với nhà trường để tìm hiểu các biện pháp phòng ngừa nhà trường sẽ thực hiện cho trẻ, các thiết bị trang bị cho trẻ tại trường học, các yêu cầu của nhà trường đối với việc chăm sóc trẻ tại nhà. Từ đó phụ huynh chuẩn bị thêm các vật dụng cần thiết để bảo vệ trẻ một cách tốt nhất. Các đồ dùng chăm sóc trẻ, cha mẹ có thể chuẩn bị thêm như nước rửa tay khô, nước nhỏ mũi, súc miệng, khẩu trang, khăn lau tay, khăn vải hoặc khăn giấy khi trẻ ho, hắt hơi, ..

Giúp con vệ sinh đồ dùng sau mỗi ngày đi học về 

  • Bố mẹ có thể cùng con hoặc giúp con vệ sinh sát khuẩn lại các đồ dùng học tập (bút viết, thước kẻ,..), ba lô, khăn quảng đỏ,... bằng dung dịch sát khuẩn hoặc cồn ít nhất 60 độ.
  • Quần áo, trang phục cần được thay ngay khi trẻ trở về nhà và giặt sạch sẽ
  • Thực hiện vệ sinh cá nhân cho trẻ khi trẻ trở lại nhà sau khi đi học

Cung cấp cho trẻ những bữa ăn đầy đủ dinh dưỡng 


Bố mẹ cần lưu ý bổ sung cho trẻ đầy đủ dinh dưỡng và nấu ăn ngon miệng để trẻ ăn uống tốt, tăng khả năng đề kháng cho cơ thể. Thực đơn của trẻ cần phong phú đa dạng và đủ dinh dưỡng, các vitamin và khoáng chất, đặc biệt là vitamin C. Bổ sung cho trẻ rau củ quả, hoa quả tươi và thịt cá đa dạng, cho trẻ uống đủ nước.

Cho trẻ ngủ đủ giấc và sinh hoạt điều độ 


Giấc ngủ rất quan trọng, giúp trẻ được nghỉ ngơi đủ thời gian cho cơ thể hoạt động khỏe mạnh sau một ngày học tập. Thường xuyên quan sát con để kịp thời phát hiện những thay đổi trong sức khỏe của trẻ.



Giữ liên lạc với giáo viên và các phụ huynh khác ở lớp của trẻ 


Bố mẹ cần giữ liên lạc thường xuyên với giáo viên và các phụ huynh trong lớp của con thông qua các nhóm chat trên Zalo, Facebook để cập nhật tình hình của trẻ và các trẻ khác trong lớp học. Đồng thời thông tin cho giáo viên nắm được hoạt động của trẻ khi ở nhà, hoặc các ngày nghỉ của trẻ để hai bên cùng phối hợp chăm sóc trẻ tốt nhất. Các yêu cầu của nhà trường đối với việc chuẩn bị cho trẻ tại trường hoặc tại nhà cũng cần được phối hợp tốt giữa gia đình và nhà trường.

Lưu ý

  • Khi thấy trẻ có các triệu chứng như sốt, ho, ... cần thông báo cho nhà trường và cơ sở y tế để chăm sóc trẻ tốt nhất.
  • Ngưng cho trẻ đi học khi sức khỏe của trẻ không được tốt, có thể khiến hệ miễn dịch của trẻ kém, dễ nhiễm bệnh.
  • Thường xuyên cập nhật tình hình diễn biến dịch và thông tin khuyến cáo của Bộ Y tế để chăm sóc và phòng ngừa cho trẻ tốt nhất.

(Nguồn: Speakup Hocmai)

    Tag: